Một ngày được trải nghiệm các tiết học, được trò chuyện cùng thầy cô giáo và các em học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình, Hà Nội), tôi hiểu vì sao ngôi trường có lịch sử 100 năm tuổi này là cái nôi nuôi dưỡng bao thế hệ học sinh trưởng thành, trở thành những người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội.
Thầy trò và mối quan hệ không khoảng cách
Nằm ở đầu con phố Nguyễn Trường Tộ, Trường THCS Nguyễn Công Trứ được thành lập từ năm 1920 có khuôn viên khang trang, hiện đại, bề thế với diện tích gần 6.300m2, được đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, đồng bộ.
Chúng tôi đến trường vào lúc tiếng trống vừa điểm báo hiệu giờ ra chơi. Sân trường rộng rãi với hai hàng cây xanh ngát như bừng sáng hơn bởi những gương mặt học sinh rạng ngời. Trò chuyện với các em, tôi nhận được những chia sẻ đong đầy tình cảm yêu quý, gắn bó của các em dành cho thầy cô, mái trường Nguyễn Công Trứ. “Ở trường THCS Nguyễn Công Trứ, thầy cô không chỉ cho chúng em kiến thức với sự tận tâm, tận lực, mà còn là mẹ hiền chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, sẵn sàng nhường chăn ấm cho học sinh. Từ mái trường này đã nuôi dưỡng trong em mơ ước trở thành cô giáo”. Tâm sự của em Hoàng Trần Phương Linh, học sinh lớp 8A3 về mái trường THCS Nguyễn Công Trứ đã cho tôi một cảm giác ấm áp trong những ngày se lạnh đầu đông này.
Năm 2011, Trường THCS Nguyễn Công Trứ đã vinh dự được đón nhận danh hiệu trường “Chuẩn Quốc gia”. Năm 2013, trường được Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội công nhận đạt “Cấp độ 3 về Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục” (cấp độ cao nhất).
|
Không phải ngẫu nhiên ngôi trường trăm tuổi này có được tình cảm yêu thương, trân trọng từ các em học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Công Trứ - người từng gắn bó với mái trường này hơn 20 năm - tâm sự: “Tôi luôn nói với các giáo viên rằng, hãy yêu HS và làm tất cả những gì có thể cho các em. Giữa thầy và trò, mối quan hệ phải là không có khoảng cách. Cô và trò luôn là bạn, luôn đồng hành với các con thì mới hiểu các con nghĩ gì, muốn gì và cần gì để mình chia sẻ, định hướng, nếu không các con sẽ thu thế giới của mình lại thì mình sẽ không hiểu học trò nghĩ gì”.
Chất lượng giảng dạy chính là danh dự và uy tín của nhà trường. Hiểu rõ điều này, thầy cô trường Nguyễn Công Trứ luôn lắng nghe nhu cầu của học sinh, của xã hội, lấy đó làm căn cứ để đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong suốt năm học, trường thường xuyên tổ chức những đợt hội giảng, ngày hội chuyên đề được duy trì hằng tháng... để thầy cô có nhiều điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn. Đã có nhiều phương pháp giảng dạy hiệu quả đang được áp dụng tại trường như bàn tay nặn bột, phương pháp khăn trải bàn. Những phương pháp này lấy học sinh làm trung tâm, giúp các con chủ động tìm hiểu, khám phá bài học và cô giáo sẽ là người định hướng, kết luận phần then chốt của bài học. Với cách làm đó, học sinh hoàn toàn chủ động, từ đó nắm kiến thức dễ hơn.
Các hoạt động ngoại khóa được nhà trường chú trọng bởi đây là sân chơi bổ ích để học sinh thông qua đó rèn luyện Đức - Trí - Thể - Mỹ. Nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng, mang tính thường niên được nhà trường tổ chức trong những năm qua đã giúp các em được trải nghiệm thực tế, khám phá nhiều điều thú vị, tình cảm thầy trò, gia đình và nhà trường càng thêm gắn bó.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay nảy sinh nhiều vấn đề xã hội xấu tốt lẫn lộn, tình trạng bạo hành trong học sinh không chỉ là đánh nhau mà còn là tin nhắn qua điện thoại, mạng xã hội, vì thế, nhà trường đặc biệt chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời có những chuyên đề về giáo dục sức khỏe sinh sản cho các con. Hàng tháng, trường có những chuyên đề về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn... để các con có kỹ năng thoát hiểm, tự cứu mình trước khi có lực lượng cứu hộ đến. “Với tâm huyết, nỗ lực của bao thế hệ thầy cô, nhà trường đã tạo dựng được một môi trường học tập nề nếp, kỷ cương với chất lượng giáo dục cao, mỗi thầy cô, học sinh đều có cơ hội phát triển tài năng và tư duy sáng tạo”, cô Thu Thủy nhấn mạnh.
Ấm tình yêu thương
“Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Khắc ghi câu thơ của danh nhân Nguyễn Công Trứ, coi đó như kim chỉ nam trong con đường xây dựng nhà trường trở thành điểm sáng trong ngành giáo dục Thủ đô Hà Nội, các thầy cô của trường đều tâm niệm làm tất cả có thể cho học sinh thân yêu.
Trong tâm thế ấy, cô Mai Thị Ánh Nguyệt, giáo viên bộ môn Ngữ văn chia sẻ: “Nếu học sinh yêu thích môn học thì giáo viên sẽ rất thuận lợi trong việc truyền thụ kiến thức. Vì thế, tôi luôn cố gắng để các con yêu trường lớp, yêu cô, từ đó yêu môn học. Thay vì đóng vai một cô giáo nghiêm khắc, thì tôi sẽ cởi mở để các con hiểu rằng cô giáo đồng cảm với các con, vì thế, tiết học trở nên nhẹ nhàng. Môn Văn giờ ngày càng gần hơn với cuộc sống nên giáo viên phải điều chỉnh, đổi mới cách dạy để học sinh thấy môn Văn rất thiết thực, hữu ích. Tôi thường đưa các vấn đề xã hội vào tiết học để bài giảng sống động hơn, cho các con những bài học thực tế”.
Là một cô giáo trẻ, cô giáo Nguyễn Kiều Hồng Trang, dạy Ngữ văn rất tâm huyết với công việc giảng dạy. Cô cho biết: “Việc giảng dạy tốt hay không cũng phụ thuộc vào việc cô trò có hiểu nhau hay không. Vì thế, phương châm của tôi là lắng nghe để thấu hiểu học sinh, cảm nhận được các con đang cần, đang thiếu, đang mong muốn gì, từ đó sẽ có sự kết hợp hài hòa giữa cô và trò. Cách thứ hai là tôi tạo cho các con niềm đam mê với việc học tập. Và với từng khối lớp, tôi áp dụng những cách dạy khác nhau cho phù hợp với từng độ tuổi của các con và mục tiêu học tập thời điểm đó. Hiện nay, các tư liệu, hình ảnh phục vụ cho việc học Văn rất phong phú, đa dạng. Nếu biết khai thác, đưa vào bài học sẽ khơi nguồn cảm xúc, khám phá của các em với bộ môn này”.
“Trường THCS Nguyễn Công Trứ là một môi trường thân thiện, từ bác bảo vệ, bác lao công cho đến các thầy cô giáo và Ban giám hiệu đều rất chân thành, cởi mở. Khi vào học tại ngôi trường này, các con sẽ cảm nhận được điều đó, sẽ thấm và biết mình cần phải làm gì. Đây cũng là môi trường làm việc rất tốt, Ban Giám hiệu rất cầu thị, tạo mọi điều kiện để mỗi thầy cô đều có cơ hội thể hiện và phát triển năng lực. Những điều này khiến lớp giáo viên trẻ như chúng tôi cảm thấy có đất để dụng võ, có nơi để cống hiến. Bởi vậy, đã say nghề lại càng thêm say”.
Cô Nguyễn Kiều Hồng Trang, giáo viên môn Ngữ văn
|
Môn Toán vốn bị gắn mác “khô khan, hàn lâm” và tâm lý sợ Toán hiện hữu trong không ít học sinh. Nhưng cô Nguyễn Thùy Trang, giáo viên dạy bộ môn Toán của trường đã có cách riêng khiến các con yêu thích và học tốt môn Toán. “Trong quá trình giảng dạy, tôi không lệ thuộc vào sách giáo khoa và luôn chắt lọc những kiến thức cốt lõi cho các con. Để tạo hứng thú học tập cho các con, tôi khuyến khích các con chủ động xem trước bài học ở nhà. Khi đến lớp, tôi chia nhóm hoạt động, mỗi nhóm có một bạn lên thuyết trình. Điều này giúp các con thể hiện được cái tôi của bản thân, đồng thời rèn cho các con kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Cô giáo sẽ là người đồng hành và định hướng. “16 năm công tác, tôi nghiệm ra rằng, để làm tốt vai trò là người đưa đò, mình phải luôn cùng các con cố gắng, tôn trọng và giúp các con thực hiện ước mơ của mình”, cô Thùy Trang bày tỏ.
“Thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Công Trứ rất yêu thương học trò. Đồng thời thầy cô luôn cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày để giúp các con thực hiện được ước mơ bay cao bay xa, thành công trong cuộc sống, trở thành người hữu ích cho gia đình, xã hội”.
Cô Nguyễn Thùy Trang, giáo viên môn Toán
|
Yêu thương và cho các con cơ hội được bộc lộ khả năng của bản thân, chấp nhận sự khác biệt của mỗi bạn, tạo cho các con có được sự tự tin vào bản thân. Những “bí quyết” ấy của cô Mai Thị Ánh Nguyệt giúp cô trò dạy - học tốt hơn, được các con tin yêu, và trở thành hành trang để các con bước vào đời.
Điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ cùng với đội ngũ giáo viên yêu nghề, dạy giỏi, tràn đầy quyết tâm, Trường THCS Nguyễn Công Trứ đã và đang là nơi mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển tài năng, tư duy sáng tạo và mãi là mái trường ấm tình yêu thương, thầy cô mở đường cho em bay tới tương lai, vì ngày mai của mỗi thế hệ học sinh./.
“Những tiết học sinh động với sự giảng dạy nhiệt tình của thầy cô giảng dạy giúp chúng em có hứng thú học tập hơn. Chúng em còn được dạy về kỹ năng sống, cách ứng xử, giao tiếp. Nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động bổ ích để chúng em có cơ hội tìm hiểu, khám phá những điều lý thú trong cuộc sống, từ đó khơi nguồn, nuôi dưỡng và giúp chúng em từng bước thực hiện ước mơ của mình”.
Nguyễn Đỗ Mạnh Hiền, 7A6, Trường THCS Nguyễn Công Trứ
|